Phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Phòng khám Bác sĩ Đinh Minh Đức

Nhồi máu cơ tim (NMCT) và đột quỵ não là hai biến cố nghiêm trọng hàng đầu của các bệnh lý tim mạch và thần kinh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hàng chục triệu người phải nhập viện do các bệnh lý tim mạch, trong đó phần lớn có thể dự phòng được nếu được phát hiện và can thiệp sớm.

Các khuyến cáo của Hội Tim mạch châu Âu (ESC), Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC) và Bộ Y tế Việt Nam đều nhấn mạnh rằng dự phòng chủ động là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe tim mạch cộng đồng.

1. Đối tượng cần được dự phòng

1.1. Dự phòng tiên phát

Áp dụng cho những người chưa từng bị biến cố tim mạch, nhưng có nguy cơ cao trong tương lai, bao gồm:

– Người có tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu

– Người hút thuốc lá, thừa cân – béo phì, lối sống ít vận động

– Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm

– Người có hội chứng chuyển hóa, stress kéo dài

– Người có chỉ số nguy cơ cao khi tính theo thang điểm SCORE2 (ESC) hoặc ASCVD Risk Score (AHA/ACC)

1.2. Dự phòng thứ phát

Áp dụng cho người đã từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh động mạch ngoại biên, đau thắt ngực không ổn định hoặc đã đặt stent, mổ bắc cầu mạch vành.

Đây là nhóm có nguy cơ rất cao cần điều trị suốt đời để ngăn ngừa tái phát hoặc tử vong sớm.

2. Phương pháp dự phòng

2.1. Thay đổi lối sống (áp dụng cho cả tiên phát và thứ phát)

– Bỏ thuốc lá hoàn toàn, kể cả thuốc lá điện tử

– Chế độ ăn lành mạnh, ưu tiên rau xanh, cá, dầu thực vật, hạn chế muối, đường, thịt đỏ, chất béo bão hòa

– Tập luyện thể dục đều đặn, ít nhất 150 phút/tuần, phù hợp thể trạng

– Giảm cân, nếu BMI ≥25 kg/m² hoặc vòng bụng vượt ngưỡng khuyến cáo

– Giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, duy trì tâm lý tích cực

– Hạn chế rượu bia, không vượt quá khuyến cáo cho phép

2.2. Điều trị yếu tố nguy cơ

– Tăng huyết áp: điều trị để đạt mục tiêu <130/80 mmHg

– Rối loạn lipid máu: dùng statin để đạt LDL-C <70 mg/dL (hoặc <55 mg/dL nếu nguy cơ rất cao)

– Đái tháo đường: kiểm soát HbA1c dưới 7%, kết hợp thuốc có lợi tim mạch như SGLT2i, GLP-1 RA nếu cần

– Rung nhĩ, van tim nhân tạo: sử dụng thuốc chống đông (NOAC hoặc warfarin) theo chỉ định

2.3. Thuốc dự phòng tim mạch (theo chỉ định của bác sĩ)

– Statin: Atorvastatin, Rosuvastatin: nhằm ngăn cản hình thành mãng bám cholesterol gây xơ vữa động mạch, ngăn cản yếu tố viêm và gãy nứt mãng xơ vữa tạo điều kiện hình thành cục máu đông.

– Aspirin liều thấp (75–100 mg/ngày, thường dùng asprin 81 mg): chỉ định trong dự phòng thứ phát, hoặc tiên phát nếu nguy cơ rất cao (cần cân nhắc nguy cơ xuất huyết). Aspirin giúp ngăn cản sự hình thành nút tiểu cầu, từ đó hình thành cục máu đông

– Chẹn beta giao cảm (Bisoprolol, Metoprolol…): đặc biệt có lợi sau NMCT

– Ức chế men chuyển (ACEi) hoặc chẹn thụ thể angiotensin (ARB): giúp kiểm soát huyết áp, giảm tiến triển xơ vữa

– Thuốc chống đông: dùng khi có rung nhĩ, đặt van cơ học, huyết khối…

– Ức chế P2Y12 (Clopidogrel, Ticagrelor): phối hợp với aspirin sau can thiệp mạch vành

2.4. Kiểm tra định kỳ và tuân thủ điều trị

– Định kỳ kiểm tra huyết áp, mỡ máu, đường huyết, chức năng thận, ECG

– Tái khám đúng lịch, không tự ý ngưng thuốc

– Giáo dục bệnh nhân hiểu rõ nguy cơ của mình và cam kết điều trị lâu dài

Kết luận

Dự phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ là nhiệm vụ bắt buộc trong chiến lược bảo vệ tim mạch cộng đồng. Mỗi cá nhân cần được đánh giá nguy cơ thường xuyên, thay đổi lối sống tích cực, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Việc thực hiện đồng bộ và lâu dài các biện pháp dự phòng sẽ giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh lý tim mạch, mang lại cuộc sống khỏe mạnh và bền vững cho người dân.

Tài liệu tham khảo

 1. 2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. European Society of Cardiology.

2. 2019 ACC/AHA Guideline on the Primary Prevention of Cardiovascular Disease. American College of Cardiology/American Heart Association.

 3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch – Hội Tim mạch học Việt Nam, 2020

Thông tin liên hệ

Phòng khám Bác sĩ CKII. Đinh Minh Đức

Địa chỉ: 152D Điện Biên Phủ, Phường Mỹ Phú, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp

Điện thoại/Zalo: 0908 073 939

Website: phongkhambacsiduc.vn

 

Leave a Reply